Sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường Đại học có kinh nghiệm và thành tích học tập tốt sẽ được các công ty nước ngoài tuyển dụng với mức lương cao.
Làm việc trong môi trường quốc tế
Không có điều kiện du học nước ngoài, Nguyễn Xuân Bách (quê Thái Nguyên) đã thi tuyển vào một trường ĐH ở Hà Nội, chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin Việt – Nhật. 4 năm ĐH, ngoài trang bị kiến thức chuyên ngành, Bách chăm chỉ học tiếng Nhật và tiếng Anh.
May mắn đã đến, năm 2016, trong đợt các doanh nghiệp Nhật Bản sang trường này tuyển dụng nhân sự, Bách trúng tuyển vào vị trí kỹ sư phần mềm tại Công ty Rakuten có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) với mức lương 60 triệu đồng/tháng. Bách chia sẻ: “Thi tuyển làm việc tại các công ty Nhật thực sự không khó như nhiều người nghĩ. Mình đã đi làm thêm ở một số nơi thấy rằng, nhà tuyển dụng của Nhật không quan tâm nhiều lắm đến chuyên môn, họ muốn mình trình bày về những điểm mạnh của bản thân, đã tham gia vào những hoạt động xã hội gì, đã có những đóng góp gì? Có thể câu trả lời điểm mạnh của mình là làm việc với nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm cao đã thuyết phục được nhà tuyển dụng”.
Được làm việc trong môi trường quốc tế, mức lương hấp dẫn, nhiều đãi ngộ đang là mơ ước của nhiều sinh viên (SV). Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều bạn trẻ trong nước mạnh dạn thi tuyển vào các công ty ở nước ngoài. Vũ Mạnh Tuấn, SV một trường ĐH ở Hà Nội, bày tỏ: “Đi du học ở nước ngoài rất đắt đỏ, trước đây mình chưa bao giờ nghĩ sẽ đi du học, nói gì đến được làm ở nước ngoài. Thấy bạn bè trong lớp rủ nhau nộp hồ sơ thi vào các công ty Nhật, mình cũng e ngại vì mỗi lần tuyển, các công ty chỉ chọn từ 1 – 2 người, trong khi tỷ lệ chọi 1/40. Cũng phải thất bại vài lần, mình mới trúng tuyển vào Công ty Iret (Nhật Bản) chuyên về lĩnh vực marketing điện tử”.Ngoài ký hợp đồng với mức lương tương đương các nhân viên người Nhật, Tuấn cho biết phía công ty Nhật còn tài trợ học bổng học tiếng Nhật miễn phí trong vòng 1 năm. Tháng 10 năm nay, sau khi tốt nghiệp và có bằng ĐH, Tuấn sẽ sang Nhật, trở thành nhân viên chính thức của Công ty Iret. “Đối với SV mới ra trường, mức lương không quan trọng bằng việc mình làm việc trong môi trường quốc tế, có cơ hội học hỏi công nghệ mới, tích lũy kiến thức kinh nghiệm”, Tuấn chia sẻ.
Tìm việc không khó
Bùi Văn Huy, cựu SV Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đang phụ trách mảng marketing kỹ thuật số Công ty Focal Max trụ sở tại Thâm Quyến (Trung Quốc), chia sẻ: “Mình quen một số bạn SV Trung Quốc học ở Hà Nội, nên quyết định lựa chọn Trung Quốc để tìm kiếm cơ hội việc làm. Sau 6 tháng mò mẫm tìm hiểu thông tin trên mạng, rồi gửi email xin việc, cuối cùng cũng có công ty ở Trung Quốc nhận lời. Mình sang đó phỏng vấn và được nhận vào làm luôn. Mức lương hiện tại của mình là 1.600 USD/tháng, tương đương với nhân viên người Trung Quốc”.
Theo Huy, chọn nghề khó khăn nhất khi ra làm việc ở nước ngoài là bắt kịp với môi trường làm việc quốc tế. “Khi làm ở các công ty nước ngoài, chúng ta thường xuyên phải làm việc nhóm, trao đổi công việc với đồng nghiệp, vì vậy ngoại ngữ cực kỳ quan trọng. Nếu vượt qua rào cản này, chỉ sau vài tháng có thể hòa nhập với các đồng nghiệp”, Huy cho biết.Chia sẻ về quá trình tìm việc ở nước ngoài, Huy cho hay không tìm việc qua công ty môi giới bởi mức phí cao, chưa chắc đã đảm bảo, cách tốt nhất là gửi thư trực tiếp đến bộ phận nhân sự hoặc lãnh đạo công ty để xin việc. Huy tư vấn: “Không khó để tìm việc ở nước ngoài. Trước hết, bạn lên mạng tìm kiếm từ khóa liên quan đến ngành mình học, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hoặc tìm kiếm qua các trang việc làm của đất nước mình định đến. Sau đó, gửi hồ sơ xin việc. Có thể email không được hồi đáp, song nếu bạn gửi email nhiều lần, họ sẽ thấy sự quyết tâm của bạn, sẽ trả lời hoặc giới thiệu cho bạn các công việc khác”.