Không thể bảo người giáo viên đứng bên lề khi lấy học sinh làm trung tâm. Người thầy giáo phải là cái tâm hướng đến của học sinh, như vậy thì nên giáo dục mới thành công được.
Từ bài báo của nhóm tác giả Việt Cường với cơn Địa chấn U23 Việt Nam và lời răn dạy Không thầy đố mày làm nên chúng tôi nhận thấy đã xuất hiện rất nhiều ý kiến bàn bạc, cùng nhiều ý kiến tranh luận của bạn đọc về vấn đề này.
Theo đó, ý kiến và bình luận của bạn đọc với nhiều đánh giá khác nhau ca ngợi có, chê bai có, đồng thuận có, phản đối có, nhận xét ngắn gọn có, phân tích có, chỉ dẫn dài dòng có… xét tổng thể nhìn chung là khá phong phú và thú vị.
Ở xứ ta và xứ bên cạnh có một thói quen, là thích dùng khẩu hiệu để khẳng định, nhấn mạnh những vấn đề, những định hướng quan trọng cho xã hội và làm cho mọi người dễ nhớ kiểu như: Phong trào hai tốt, ba tốt,… Bốn, năm, bảy, tám,… chữ vàng, ba bốn hiện đại hoá,… Nói không với cái này, cái kia,… Ba, bốn, chín, mười… điều này, điều nọ…
Cơn địa chấn U23 Việt Nam và lời răn dạy không thầy đố mày làm nên
Nhóm từ Lấy học trò làm trung tâm cũng có thể coi là một loại khẩu hiệu, như thế để giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm và định hướng giáo dục của mình. Khẳng định rằng Bộ đang Tích cực đổi mới, sáng tạo chứ không chây ỳ, lười biếng và bảo thủ…
Từ xưa đến nay trên khắp thế giới này việc Lấy học trò làm trung tâm chẳng có gì là mới, vẫn là câu chuyện của muôn đời nằm trong bản chất của hoạt động giáo dục. Từ thời cổ xưa Khổng Tử chẳng phải đã từng coi và lấy học trò làm trung tâm rồi còn gì. Khổng Tử không chỉ dạy học trò tại nhà, tại lớp mà còn dẫn học trò đi chu du thiên hạ, dạy học trò mọi thứ trên đường và đối thoại giải đáp mọi thắc mắc cho học trò của mình. Bởi thế Khổng Tử mới có được cuốn Luận ngữ nổi tiếng, siêu sách giáo khoa của mọi loại sách giáo khoa và có sức sống lâu bền với thời gian.
Qua đó, trong nghề dạy học ở xứ ta từ xưa đến nay thì tất cả thầy cô giáo vẫn đều Lấy học trò làm trung tâm đấy chứ, chả lẽ lấy bàn ghế, lớp học và các phương tiện dạy học… phụ huynh học sinh làm trung tâm hay sao. Học sinh các thời đại luôn là Trung tâm của công tác giảng dạy, nên nhớ ở đây là có giảng thì mới có học trò.
Như vậy, Giảng là truyền đạt những kiến thức, những bài học cụ thể trong sách giáo khoa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để học sinh hiểu và nắm vững nhằm vận dụng được. Dạy thì phức tạp, khó hơn đôi chút vì phải giúp cho học sinh có phương pháp hiểu, phương pháp nắm vững nhằm biết vận dụng kiến thức đã học.
Ngoài dạy phương pháp cùng cách thức học, thầy cô lại còn phải dạy nhiều điều khác như: dạy học sinh cách ăn mặc, nói năng, cách giao tiếp ứng xử, kỹ năng sống, lối sống và nhân cách… trong xã hội.
Giảng là hoạt động của giáo viên trên lớp còn dạy vừa là hoạt động trên lớp vừa hoạt động ngoài lớp, thậm chí còn ở ngoài trường như tham quan, ngoại khoá, dự mít tinh, lễ hội… hoặc ở ngay tại nhà giáo viên như chấm bài, viết nhận xét, tiếp đón phụ huynh, kết hợp với gia đình để giáo dục trẻ…
Hai hoạt động gắn chặt với nhau, tạo thành hoạt động chung là giảng dạy. Hoạt động này bao giờ cũng hướng đến học sinh, Lấy học trò làm trung tâm đúng từ trong bản chất xưa như trái đất của ngành giáo dục bây giờ.